Trách nhiệm của Manager
Khi bạn làm Manager, bạn sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm về quản lý. Bài viết này sẽ kể về những "thứ" mà bạn sẽ cần phải quản lý khi bạn lên làm sếp.
Role and Responsibilities
Khi để nói đến một công việc nào đó, cách để mọi người mô tả thường sẽ được gói gọn trong cụm từ “role and responsibilities”, dịch nôm na ra là vai trò và trách nhiệm. Trách nhiệm thì như là những gạch đầu dòng về công việc, những thứ mà bạn sẽ phải đảm nhận; còn vai trò, thì là thường sẽ là chức danh, title của bạn ở trong tổ chức - bạn sẽ được phân cho một vai trò trong sơ đồ hoạt động của một bộ máy lớn.
Vì là chức danh trong doanh nghiệp nên là role sẽ có rất nhiều biến thể khác nhau giữa các công ty với nhau. Kết hợp với sơ đồ phòng ban loằng ngoằng của công ty lớn, hoặc là sự mập mờ thiếu rạch ròi ở công ty nhỏ hơn, nên một thứ tưởng chừng đơn giản mà có thể phức tạp không ngờ.
Role thì đặt gần với tên công việc, và có một số role thì khá là rõ ràng. Ví dụ như Software Engineer hay Data Analyst, bạn có thể từ role mà suy ra được một phần trách nhiệm và những thứ bạn cần phải làm trong công việc. Ở các big corp, có thể sẽ có những role nghe mù mờ hơn, như là Executive, Analyst hay Associate, nhưng mà nó sẽ đi chặt theo phòng ban, hoặc là nghiệp vụ của công ty, nên phải đi kèm với bộ phận làm việc nó mới rõ ràng hơn.
Ngoài ra, có những chức danh lại mù mờ hơn nhiều, tiêu biểu là danh xưng Manager. Manager, nhiều người nghĩ là trưởng bộ phận, trưởng phòng ban; tuy nhiên với thời đại mới mình có thấy nhiều chức danh nghe là manager mà không phải manager. Ví dụ như Account Manager quản lý tệp khách hàng, Territory Manager thì là quản lý khu vực, mà Product Manager thì cũng là quản lý sản phẩm - những chức danh là manager nhưng lại không có bổn phận của một nhà quản lý, một manager.
Sự định hình của các Manager, sẽ nằm ở responsibilities của họ, là những trách nhiệm mà họ phải quản lý. Đọc trong các JD tìm người, có thể thấy trong phần trách nhiệm của những role này sẽ là quản lý team, quản lý dự án, có khi là quản lý tiến độ mà cũng có khi là người dẫn đầu về kỹ thuật. Thường các bạn mới bắt đầu làm manager có thể trải qua nhiều lúng túng, vì không biết nên bắt đầu từ đâu, mình phải làm cái gì.
Ba trách nhiệm
Manager, đặc biệt là các bạn middle manager (không phải executive level) thì luôn là người bị ép từ mọi phía. Sức ép về chỉ tiêu từ trên xuống, sức ép quản trị của đội ngũ phía dưới, từ các phòng ban xung quanh về chất lượng, về yêu cầu công việc. Nó là một mớ bòng bong, mà nếu bạn không có hướng thu xếp ổn thoả thì khả năng cao là sẽ trải qua một chút ngợp.
Với mình, mình nhìn về trách nhiệm của manager sẽ có thể chia thành 3 phần chính, cũng tương ứng với 3 phần mà manager nào cũng sẽ phải làm và quan tâm. Một là technical management, quản trị về sản phẩm của đội nhóm, về chất lượng của những sản phẩm của team với những stakeholder bên ngoài. Hai là project managment, đó là quản trị về thời gian và vận hành, làm sao để sắp xếp công việc và thời gian để đạt được yêu cầu đúng thời hạn. Và cuối cùng, đó là people management, quản trị con người, xây dựng đội hình của team, để team phát triển vững mạnh và hoạt động hiệu quả.
Technical management: Cái này có lẽ sẽ thân thuộc hơn với các bạn làm trong những ngành mà yêu cầu nhiều về kỹ năng. Nhiều bạn trong ngành này, vì có kỹ năng tốt và hoàn thành được nhiệm vụ, nên được promote lên thành manager. Quản lý technical thì hơi khác với việc làm việc technical: thay vì bạn hoàn thành đúng nhiệm vụ được giao, thì bạn phải làm người lãnh đạo thế nào mà có thể giúp cho team của bạn hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Đó có thể là coaching, hướng dẫn các bạn junior hơn hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Khó hơn thì có thể là xây quy trình và mang mọi người đi theo quy trình, để đạt được chất lượng đầu ra tốt hơn. Nâng tầm “technical” của team, sẽ khác với nâng tầm technical của bản thân - bạn muốn xây dựng một tập thể vững mạnh và deliver được những sản phẩm chất lượng, vì đó mới là cách để bạn có thể đi được đường dài.
Project Management: Đây là nơi mà khả năng thiết lập kế hoạch, cũng như khả năng đối nội đối ngoại sẽ lên ngôi. Không có cái gì to tát mà có thể được xây dựng trong vòng 1 ngày cả, bạn sẽ phải quản lý những dự án trải dài vài tháng đến cả năm. Bạn phải biết cách thiết lập kế hoạch dựa theo các nhu cầu, cùng với cột mốc(milestones), cũng như quy trình để đảm bảo tiến độ và de-risk(giảm thiểu rủi ro) cho các dự án. Về mặt đối ngoại, bạn sẽ làm việc với các stakeholders để nắm được nhu cầu, cũng như negotiate các đề mục, các chỉ tiêu, ngân sách, để bạn có thể hoàn thành được dự án. Đối nội, bạn phải là người dẫn dắt đồng đội, phân chia công việc cũng như tháo gỡ vướng mắc, để team có thể cùng nhau hoàn thành mọi vấn đề đúng theo chỉ tiêu. Đảm bảo về việc vân hành dự án một cách trơn tru, cũng như giao tiếp giữa các bên diễn ra một cách mượt mà
Cuối cùng, people management: đây là bài toán về quản trị con người. Với từng cá nhân trong team của bạn, bạn là người có nhiệm vụ để họ có thể tiếp tục phát triển, để họ có thể nâng lên tầm cao mới. Có nhiều người dùng từ là “set up for success”, gần như là xây dựng lộ trình cho một người có thể tiếp tục phát triển bản thân và có thể thành công. Một phần là lắng nghe những chia sẻ, cũng như góp ý để họ có thể cải thiện công việc hiện tại. Một phần khác, đó là quản trị về sức mạnh của team, làm sao để khi hai người góp sức vào thì có thể đạt được hiệu quả nhiều hơn khi họ làm việc 1 cách riêng lẻ (nếu đọc mấy cái bài viết văn hoa thì là 1+1 >2 đó). Đó còn là việc khen ngợi cũng như thưởng cho mọi người khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và đó cũng là quản lý những người không hoàn thành. Vì đây là vấn đề giữa người và người, đây cũng sẽ là phần oái oăm và khó khăn nhất đôi với nhiều người quản lý.
Tuy ba mà một
Ba nhiệm vụ này, tuy nghe thì riêng rẽ, nhưng lại khó có thể tách rời. Một phần nào đó, bạn khó có thể làm cái này mà không ảnh hưởng đến phần kia. Nó xen kẽ với nhau, và góp phần xây thành một bài toán chung cho người lãnh đạo.
Ví dụ, bạn muốn giao cho một junior trong team để làm một cái task hơi khó một chút. Về phần technical, bạn muốn đảm bảo là chất lượng sản phẩm đầu ra đạt chuẩn, nên có thể bạn sẽ phải chuẩn bị sẵn một template để junior có thể làm theo, hoặc bạn có thể xây quy trình review với team để sản phẩm bạn nhận được là đạt chất lượng cần thiết. Về phần project, bạn cũng phải đảm bảo là việc giao task cho junior này là hợp lý, ví dụ như là không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hoặc là giúp một bạn senior hơn rảnh tay để có thể giải quyết một task khó hơn. Kết hợp với people management, đây có thể là một thử thách bạn muốn giao cho bạn junior trẻ, để bạn đó có thể học thêm một kỹ năng mới, và lần sau bạn có thể làm lại và tiếp tục phát huy.
Khi nhìn vào công việc của một manager, nhìn vào các khía cạnh khác nhau của các responsibility, bạn có thể thấy như là một người, nhưng đang cân bằng 3 bài toán một lúc. Đương nhiên, ai cũng sẽ có ước mơ, một ngày mình có thể đi theo lộ trình và sẽ đi lên làm một quản lý. Tuỳ theo lộ trình phát triển của bạn, bạn cũng có thể nhìn vào những đầu mục này để bạn có thể tiếp tục phát triển bản thân.
Nhiều bạn phát triển lên từ những ngành technical, khi các bạn phát triển khả năng technical của mình tốt rồi và được promote lên các chức vụ quản lý. Vì bạn có khả năng nên có thể khả năng technical management của bạn cũng tốt, và vì bạn hiểu rõ domain nên bạn cũng có thể nắm được một phần của việc project management. Có thể bạn sẽ phải chỉnh lại bản thân một chút và cải thiện thêm khả năng people management của mình hơn. Cũng có những bạn, đã làm việc với nhiều team hoặc là chỉ dẫn rất nhiều người trong khả năng của mình, và đã rất khéo léo với khả năng quản trị con người - bạn có thể tập trung phát triển kỹ năng technical hoặc khả năng quản lý dự án, những thứ có thể giúp bạn lên đến tầm cao hơn.
Đương nhiên, mỗi ngành mỗi nghề cũng sẽ một khác. Thậm chí hiện nay, ở các công ty lớn trên thế giới còn mở ra một ngạch khác để các bạn IC (individual contributor) có thể đi xa hơn, như là Principal/Staff level. Những người này sẽ cần rất vững về mặt technical management, nhưng có thể sẽ không cần làm nhiều nhiệm vụ về people management.
Mình vẫn luôn vô cùng hứng thú với các lĩnh vực về quản lý, quản trị. Viết lại những thứ này, hy vọng có một bạn nào đó đang muốn vươn lên các vị trí cấp cao hơn, có thể hiểu ra thêm được chút gì đó.
Nếu bạn thích bài viết này, có thể đọc thêm: