Muốn làm việc cùng
Câu chuyện của cả nhà tuyển dụng lẫn người tìm việc, thực ra là đều muốn tìm một đáp án cho câu hỏi: "người mình muốn làm việc cùng"
Tìm người làm việc cùng với bạn
Một chủ đề lớn trong thời gian gần đây mà được nhiều người bàn tán, đó là về sự khó khăn trong thị trường lao động. Việc thì khan hiếm, người thì lại nhiều, mà yêu cầu lại càng tăng cao lên; câu chuyện có thể được kể từ nhiều hướng nhiều nguồn, nhưng mà đều có một cảm nhận chung, đó là một giai đoạn khá là ảm đạm trong thị trường lao động.
Nếu bạn cũng là một người cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn này, thì trước hết mình cũng muốn chúc mọi người may mắn, và cũng hy vọng mọi thứ sẽ nhanh trôi qua để chúng ta có thể quay lại với một thời kỳ tươi sáng hơn!
Với hơn chục năm đi làm rồi, mình cũng trải qua những thời gian đi tìm việc, cũng như có đóng vai làm nhà tuyển dụng nhiều lần. Lướt qua mạng xã hội, mình có thể cảm thấy sự đồng cảm với những post đầy hoang mang của những bạn đang trong độ tuổi đi làm. Lúc nào cũng thắc mắc là mình đã có đủ kỹ năng, kiến thức hay là bằng cấp chưa; làm thế nào để thể hiện bản thân thật tốt và được nhà tuyển dụng chú ý. Rồi đến khi đi làm (hoặc nhận được lời mời đi làm) thì lại thắc mắc là công ty này là red flag hay greed flag, mọi thứ xảy ra này là có đúng hay là không. Từ phía doanh nghiệp cũng thế, các discussion này thì không phổ biến rộng rãi, nhưng luôn có thắc mắc, đắn đo là làm sao để tìm được đúng người, tìm được người phù hợp giữa muôn vàn ứng viên.
Từ kinh nghiệm của mình, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người thì chi tiết cụ thể sẽ có sự khác biệt, chứ thực ra trong vấn đề việc tìm người người tìm việc này, chỉ có một câu hỏi quan trọng nhất mà cả hai bên cùng nên phải đặt ra và tìm cách để trả lời: “Mình có muốn làm việc cùng người này hay không?”. Khi có nhiều ứng viên, người mạnh về technical, người lại rất tốt về mindset, người thì có kinh nghiệm từ trước; những gạch đầu dòng này rất là khó so sánh với nhau theo điểm cộng điểm trừ. Chính vì vậy, câu hỏi về việc ai là người mà bạn muốn làm việc cùng nhất sẽ là điều vô cùng quan trọng.
Về phía người tìm việc, thì câu này cũng có thể đi theo nhiều hướng khác nhau. Khi bạn còn đang là một junior chưa có nhiều thứ trong tay, thì câu hỏi của bạn sẽ là “làm sao để trở thành một người mà người khác muốn làm việc cùng?”. Đối với những bạn đã senior hơn, biết thiên hướng cũng như mong muốn của bản thân, đó là cách để bạn lựa chọn "đây có phải là người sếp/người đồng nghiệp mà mình mong muốn không?”.
Chỉ là một câu hỏi dẫn đường đơn giản, nhưng nó cũng sẽ là mấu chốt cho cả sự nghiệp của bạn.
Cọc đi tìm trâu
Để tiếp cận vấn đề này, mình sẽ đi trước từ hướng của một doanh nghiệp, của một hiring manager. Khi bạn muốn xây dựng một quá trình tuyển dụng, bạn muốn tìm cho bản thân được những đối tượng phù hợp, mà bạn sẵn sàng làm việc cùng. Với câu hỏi “bạn có muốn làm việc cùng người này không?”, hãy tìm cách để ứng dụng nó vào trong cả hiring process, từ việc viết JD (job description) và chọn lọc, cho đến phỏng vấn và onboarding.
Việc đầu tiên mà một hiring manager nên làm, theo mình là đầu tư công sức vào việc viết JD. Suy nghĩ và xây dựng JD của bạn không nên chỉ đơn thuần dừng ở việc là tìm người biết cái X, cái Y, mà nó sẽ đi cùng với cả môi trường làm việc bạn đang làm nữa. Môi trường làm việc của bạn, cũng như những dự án sắp tới đang chờ đón, sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực mà bạn cần có, cũng như cách để bạn có thể mang thêm một người mới vào team.
Ví dụ (ví dụ của mình có thể sẽ hơi Tech một chút), công ty bạn đang cần tuyển thêm nhân lực backend, và dự án là Ecommerce viết bằng Golang. Đương nhiên nếu ứng viên có biết Golang từ trước thì chắc chắn là một thế mạnh, nhưng nếu bạn muốn mở rộng candidate pool, bạn có thể xem xét các ngôn ngữ có nhiều tương đồng (ví dụ như C# hay Java), thì sẽ là +0.5 điểm thay vì là +1 điểm chẳng hạn. Nếu ứng viên đã có kinh nghiệm về Ecommerce, thì đương nhiên cũng là một điểm cộng về business understanding; tuy nhiên bạn cũng có thể xem xét những phần nhỏ hơn trong ecomm, ví dụ như Cart/Order/Checkout/Payment flow, hoặc là SKU/Inventory Management, hoặc là kinh nghiệm về Logistics/Delivery; tuỳ nhu cầu của dự án mà bạn có thể đi sâu hoặc mở rộng nhu cầu. Dự án sắp tới của bạn là một project hoàn toàn mới, hay là bạn phải mở rộng và scale up hệ thống đã có sẵn - đó là điều cần quan tâm về kiến thức kỹ thuật cũng như kiến thức domain. Bạn có thời gian để train các ứng viên của mình lên hay không, hoặc là quy trình hoạt động của team dev sẵn có đã đủ tốt chưa để một bạn mới vào có thể thích ứng trong 1-2 tháng làm onboard? Rất nhiều câu hỏi nên được đặt ra, từ trước cả khi quá trình tuyển dụng bắt đầu, và bạn càng có các câu hỏi cụ thể hơn, thì bạn sẽ càng rõ ràng về con người mà mình muốn tìm kiếm.
Việc chuẩn bị JD một cách kỹ càng sẽ giúp cho bạn rất nhiều trong quá trình lọc CV và lựa chọn phỏng vấn. Những gach đầu dòng cụ thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn quá trình sàng lọc của bản thân, và sẽ giúp bạn đánh giá và shortlist các ứng viên một cách hiệu quả. Về mặt kỹ thuật, sẽ có những chỉ tiêu mà bạn nhân thấy là ứng viên đạt, không đạt, hoặc là chưa rõ ràng. Khi đó, vòng phỏng vấn trực tiếp sẽ là nơi mà bạn tìm hiểu về ứng viên, khẳng định những thứ họ đạt, và làm rõ thêm những đầu mục mà bạn cảm thấy chưa rõ ràng.
Với mình, vòng phỏng vấn trực tiếp sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc “mình có muốn làm việc cùng với người này hay không”. Làm việc cùng, không chỉ nằm ở giải quyết bài toán kỹ thuật, mà còn ở việc giao tiếp trong công việc, trao đổi kiến thức, cũng như không khí làm việc hoà thuận đồng lòng. Đó có thể là sự chỉn chu trong chuẩn bị, hoặc là sự rõ ràng rành mạch trong trình bày vấn đề. Cũng có thể đó là khả năng xử lý những bài toán vượt khả năng, tinh thần học hỏi và cầu tiến. Cũng có thể đó là sự sâu sắc trong tư duy, biết cách đặt vấn đề và đặt câu hỏi.
Từ phương diện cá nhân, có một câu hỏi phỏng vấn mà mình khá là thích áp dụng. Mình hay nhìn vào hồ sơ của ứng viên, khi mà họ thường đã trải qua một vài project khác nhau, có thể là trong công việc trước, dự án cá nhân, hoặc là trong quá trình học tập. Câu hỏi của mình sẽ dựa trên đó: “Theo bạn, trong những dự án bạn đã trải qua, thì dự án nào bạn thấy thú vị/khó khăn/mở mang nhất?”. Tại sao phải là “nhất”, vì với mình nó là một câu hỏi về khả năng đánh giá: phải có sự suy nghĩ và so sánh giữa những thứ mình đã từng làm và ngẫm nghĩ về nó, thì mới có sự chênh lệch hơn kém. Khi một dự án là “nhất” so với một dự án khác, thì nó cũng sẽ để lại ấn tượng sâu đậm hơn với ứng viên nên ứng viên cũng sẽ nhớ về nó một cách rõ ràng hơn. Đó là tiền đề cho các câu hỏi nối tiếp, mà tuỳ vào cách trả lời mà mình sẽ sử dụng để đi tiếp. “Tại sao dự án này lại để lại ấn tượng như thế?” - để ứng viên giải thích về điểm mạnh điểm yếu của bản thân. “Nếu traffic của hệ thống tăng lên gấp 100 lần thì bạn có cách giải quyết thế nào” - để ứng viên xử lý cùng một bài toán nhưng với đề bài được nâng độ khó. “Nếu bây giờ được làm lại thì bạn sẽ làm gì khác trước” - cách đối diện với lỗi sai và phát triển lên thêm từ đó. Từ một câu hỏi đơn giản, mà tuỳ cơ ứng biến, sẽ dẫn đến rất nhiều thứ để cho ứng viên có khả năng bộc lộ.
Người đồng nghiệp đáng mong chờ
Nếu như ở trên thì mình nói về cách mà người tuyển dụng có thể tìm được cho bản thân một ứng viên thật tốt, thì đương nhiên sẽ phải kể lại câu chuyện theo hướng ngược lại. Người nào đi tìm việc, thì cũng mong muốn tìm được cho mình một cơ hội thật tốt cho bản thân.
Với tính xấu của bản thân là suốt ngày khuyên bạn bè bỏ việc (như kiểu cộng đồng mạng chỉ vote chia tay), thì câu cửa miệng của mình trong lúc chém gió là: “Tuần nào cũng phải đi làm 40+ tiếng, trong gần 40 năm cuộc đời, thời gian đó là quá dài để bị vướng trong một công việc mà mình không thích”. Môi trường làm việc của bạn, đồng nghiệp, sếp, lãnh đạo sẽ là những người trải qua 40 tiếng hàng tuần với bạn, và khi bạn đi tìm việc, câu hỏi của bạn cũng sẽ là đi tìm những con người mà bạn muốn dành thời gian 40 tiếng mỗi tuần cùng với họ. Nói đơn giản, nhưng đây lại là một câu hỏi vô cùng quan trọng trong lúc tìm và làm việc.
Bạn đang còn trẻ và ấp ủ nhiều ước mơ, thì bạn muốn tìm được môi trường nhiều thử thách và năng động, sếp có khả năng lãnh đạo và chỉ dẫn, nhiều cơ hội cho bạn học hỏi và phát triển. Nếu bạn đã có kinh nghiệm hơn, thì thay vì muốn được cầm tay chỉ việc thì bạn muốn có một nơi để bạn có khả năng phát triển tự do để tìm thấy điểm mạnh của bản thân; một nơi mà lãnh đạo tôn trọng ý kiến và khả năng của bạn. Còn khi bạn ổn định hơn, thì có thể là một nơi mà bạn có thể được tôn trọng với cuộc sống cá nhân của mình, phát huy khả năng và kinh nghiệm của bản thân trong yên bình. Biết mình muốn gì, và tìm cho bản thân một môi trường phù hợp, nó cũng là câu chuyện cho cả quãng đời đi làm.
Có đi thì cũng có lại, bạn muốn tìm cho mình những người đồng nghiệp tốt, thì những người đồng nghiệp đó cũng muốn tìm cho họ những người tương tự như vậy. Muốn được tuyển dụng, thì bạn nên biến bản thân thành một người đồng nghiệp mà người khác muốn làm việc cùng.
Bạn có từng nghe về lời khuyên là khi bạn viết CV ứng tuyển cho mỗi công ty thì bạn nên viết một bản CV phù hợp với từng vị trí mà bạn apply? Ý tưởng ở đây cũng tương tự, đó là thể hiện sự phù hợp của bản thân cho những môi trường mà bạn đang ứng tuyển. Cùng là một con người thôi, nhưng nếu bạn tìm hiểu về những nơi bạn đang mong muốn đến, thì họ sẽ có những tiêu chuẩn cũng như một số thứ nhất định mà họ tìm kiếm; và nếu bạn biết đúng cách để thể hiện bản thân thì bạn sẽ có thể đạt được cơ hội.
Tuy nhiên, không phải là bạn có thể tự vẽ ra một hình tượng của bản thân để bạn có thể ứng tuyển; bạn còn cần tiếp tục bổ sung và cải tiến bản thân mình, thành một đồng nghiệp trong mơ. Bạn muốn có một người sếp hướng dẫn chỉ bảo, thì bạn phải có khả năng của một học trò biết cách tiếp thu và phát triển. Bạn muốn được đưa vào các dự án đầy thử thách, thì bạn cũng phải thể hiện khả năng của bản thân khi được đối diện với những vấn đề khó khăn (mà có thể bạn chưa được học mà sẽ phải tìm tòi thêm nhiều). Bạn muốn xây dựng một mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, thì bạn cũng phải trau dồi khả năng giao tiếp cũng như ứng xử của bản thân.
Còn để nói về lâu về dài hơn, khi bạn là một người đồng nghiệp mà được người khác yêu quý, nó cũng sẽ là tiền đề để bạn nhận lại được nhiều cơ hội hơn. Có thể 5-10 năm về sau, khi bạn cần loay hoay tìm việc; những người đồng nghiệp ngày xưa của bạn sẽ là những người sẵn sàng mang lại những cơ hội referral cho bạn, chỉ vì đơn giản vì “tôi muốn làm việc cùng với bạn”. Một tiêu chí đơn giản thôi, nhưng mà sẽ là hành trang đi cùng với bạn suốt cuộc đời.
Vậy nên, hãy luôn cố gắng, để trờ thành một người đồng nghiệp mà ai cũng muốn có.
Nếu bạn thích bài viết này, bạn có thể đọc thêm: