Note: Hôm nay mở mắt lên và check thì thấy mình cũng đã đạt được mốc 400 subscribers. Cám ơn mọi người đã theo dõi mình trong thời gian qua, và hy vọng mình sẽ còn mang lại thêm được nhiều thứ bổ ích cho những người đã chịu khó theo dõi mình.
Một chút tổng hợp
Thực ra là hôm nay mình mở máy lên thì định viết về một chủ đề khác cơ, nhưng nhìn thấy cái con số 400 subscribers thì tự nhiên lại nảy ra ý tưởng viết về điều này. Chủ đề khác vẫn còn nhiều cơ hội đụng đến, chứ còn vượt mốc 400 subs thì chắc cũng chỉ có một lần (I hope…).
400 là cũng gấp 3 lần so với con số subs của mình hồi đầu năm; những bài viết của mình cũng vậy, số lần views cũng tăng được khoảng 3 lần. Mình viết cũng không phải là ngắn, trong thời đại nội dung số thì mình vẫn nhắm viết đến 1000-1500 chữ; thế nên vẫn giữ được những người theo dõi như thế này cũng là điều đáng mừng.
Tính lại, khoá học cấp 2 của mình chỉ có 5 lớp, mỗi lớp 50 người; lớp lúc mình học ở junior college cũng thế, cả khoá có 6 lớp mỗi lớp 30 người. Thế là “following” của mình còn đông hơn cả mấy cái lớp lecture mà mình ngồi học. Tuần viết được 2 bài, có khác gì học sinh đi học lecture tuần 2 buổi. Có thể xã hội bây giờ nhìn những con số như mấy trăm followers chả đáng là bao, nhưng nếu nhìn lại thì nó cũng khá là đáng nể.
Đó cũng là một nguồn động lực, để mình trau chuốt những gì mình chia sẻ hơn. Số subscribers tăng lên, mà mình thì cũng grow. Tự nhiên lại là mối quan hệ win-win :).
Chả ở đâu có shortcut
Viết là một thứ mình có được trau dồi qua công việc, trong cuộc sống đi làm của mình thì mình cũng viết khá là nhiều. Vậy mà đến khi viết cái blog này, thì mình vẫn cứng tay như thường, cũng phải qua một thời gian mình mới cảm thấy câu chữ của mình trơn tru hơn. Mình cũng quen viết tiếng Anh nữa, đôi khi viết ra những câu tiếng Việt thì hơi bị viết giống cấu trúc của tiếng Anh; cũng là những thứ mình càng làm càng cải thiện.
Không chỉ kỹ năng viết, mà cả nói chuyện nữa. Nếu mọi người có để ý, thì mình cũng mới thử tham gia làm một cái podcast cùng với bạn mình. Còn nếu bạn chưa để ý, thì cho phép mình quảng cáo phía bên dưới.
Nói chuyện với bạn bè chém gió ngoài quán cà phê thì dễ, nhưng mà nói để còn thu âm, lưu lại thành podcast cho người khác cũng nghe thì quả là một câu chuyện khác. Mình với bạn mình cũng phải thu đi thu lại mấy lần, rồi viết đi viết lại về nội dung; mà cuối cùng thì cũng ra được thành phẩm. Đến lúc lên rồi, nghe lại thì vẫn thấy một đống vấn đề: nào là thu âm tiếng chưa được rõ, mình thì nói bị líu ríu hết cả câu chữ vào, rồi nội dung chưa hẳn là dễ dàng để theo dõi. Vấn đề thì vẫn còn đó, nhưng mình thì vẫn khá là vui vẻ, vì như là đã vượt qua một ngưỡng của bản thân.
Thử thách bản thân với những cái mới, khó có thể được chuẩn chỉnh perfect rồi. Có đi đọc về content, đi nghe ngóng học tập của người khác cả trăm lần cũng chưa đủ; trải qua thực tế thì mới cảm nhận được sự khó khăn, mới cảm thấy được cái giỏi của những người khác đã đi trước mình, và mới cảm thấy những thứ mà mình có thể phát triển và cải thiện thêm.
Phải bị vấp vài lần, chân có mấy vết sẹo, thì mới đứng lên mà lao lên đi tiếp. Và thế mới có thể nhận ra, là chả có shortcut nào để có thể xây dựng được những kỹ năng cho bản thân mình; kinh nghiệm và trải nghiệm thì phải đi qua từ một quá trình đúc kết rèn giũa, thì mới có được thành phẩm. Với mình, hành trình phát triển của việc chia sẻ, cả nói hay là viết, cũng đều chỉ đi bằng cách tự loay hoay mà vươn lên.
Bị xót và bị cắt
Nói về việc phát triển bản thân, với cả việc không có shortcut, làm mình thấy như kiểu mình đang viết sách self-help quá. Không có đường nào ngắn để đến thành công, mà nó là được xây bằng nỗ lực!
Bị xót và bị cắt, nó là những vết thương vặt vãnh mà mình có thể gặp phải, trong lúc mày mò ra con đường của chính mình. Đó là vết thương nhỏ, có thể chữa lành được, chứ không phải là những mối nguy hiểm rình rập khiến bạn không thể đi tiếp thêm được nữa. Đó là việc bạn phát triển bản thân, mặc dù đầy nỗ lực, nhưng cũng đi kèm với sự cẩn trọng và đầu óc tư duy phân tích, để không đi vào những sai sót không thể cứu vãn. Không ném bản thân vào vùng nguy hiểm một cách mù quáng, mà là mở rộng vùng an toàn của bạn một cách thông minh.
Với mình, đó là những bước chập chững từ việc chia sẻ những bài viết hay mà mình đọc được, cho đến việc tự viết thành chia sẻ của bản thân. Là từ việc viết lách chuyển qua nói chuyện tâm sự, để có thể truyền tải các nội dung của mình bằng nhiều cách khác nhau. Mình cũng đi những bước thong thả để phát triển và không nóng vội.
Vì hành trình phát triển, sẽ là một hành trình của cả đời.